Hàng tiêu dùng "cứu" số thu thuế xuất nhập khẩu

Hàng tiêu dùng "cứu" số thu thuế xuất nhập khẩu

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng Phòng thuế xuất nhập khẩu, Cục Hải quan TPHCM cho biết, số thu tính đến hết tháng 4 là 30.575 tỉ đồng, bằng 28,3% chỉ tiêu cả năm, đã giảm hơn 3.150 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái dù kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng có thuế tăng tới 8,36%, đạt mức hơn 15 tỉ đô la Mỹ.

Cũng theo ông Toản, thu được như vậy trong bối cảnh các mặt hàng chủ lực, vốn đóng góp lớn cho số thu ngân sách như ô tô, xăng dầu đã sụt giảm mạnh về kim ngạch và số thu là nhờ các mặt hàng tiêu dùng và nguyên phụ liệu sản xuất xuất khẩu.

Theo đó, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; vải… đều tăng và dần chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu hàng nhập khẩu. Nhóm hàng tiêu dùng như bánh kẹo, hàng điện máy gia dụng… cũng tăng khá.

“Những mặt hàng gia dụng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước đã đóng góp nhiều thuế giá trị gia tăng cho ngân sách. Số thu thuế giá trị gia tăng 4 tháng tăng nhẹ so với cùng kỳ là nhờ vậy. Ngược lại, số thu ở sắc thuế nhập khẩu lại giảm mạnh, chỉ còn 8.700 tỉ đồng trong khi cùng kỳ thu tới 12.000 tỉ đồng”, ông Toản nói thêm.

Nói riêng về mặt hàng ô tô thì từ đầu năm đến nay, kim ngach nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ ngồi qua các cảng của TPHCM chỉ đạt 8,6 triệu đô la Mỹ, một con số chẳng thấm tháp vào đâu so với 152 triệu đô la Mỹ cùng kỳ 2017.

Chính vì vậy, số thu từ ô tô tại Chi cục Hải quan cảng Hiệp Phước, nơi làm thủ tục nhiều nhất ở mặt hàng này trong 4 tháng chỉ đạt 1.300 tỉ đồng, giảm 3.700 tỉ đồng so với cùng kỳ.

Tương tự, kim ngạch nhập khẩu xăng, mặt hàng có thuế 10% hoặc 20% (tùy thị trường) trong 4 tháng qua cũng chỉ còn hơn 10,7 triệu đô la (cùng kỳ hơn 190 triệu đô la).

Nguyên nhân là do nguồn cung trong nước đang tăng, kéo giảm nhu cầu nhập khẩu.