Hỗ trợ doanh nghiệp tìm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu
Hỗ trợ doanh nghiệp tìm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu tăng 16,9%
Đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất 3 tháng đầu năm của Hà Nội là nhóm hàng linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi đạt 463 triệu USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ; nhóm hàng dệt may đạt 401 triệu USD, tăng 20% cùng kỳ; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 253 triệu USD, tăng 21% cùng kỳ; da giầy đạt 72 triệu USD, tăng 24,8% cùng kỳ. Hàng điện tử là nhóm hàng duy nhất có kim ngạch xuất khẩu giảm 4,3% so cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt 7.922 triệu USD, tăng 15,1%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2017 (16,5%). Một số mặt hàng nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ là: chất dẻo (tăng 31,3%); hóa chất (tăng 24,9%); xăng dầu (tăng 23,5%). Các mặt hàng nhập khẩu giảm gồm sắt thép giảm 4,6%; nhập khẩu máy móc thiết bị, phụ tùng giảm 5,2% so với cùng kỳ.
Để có kết quả trên, theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thì thành phố đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thông tin mở rộng thị trường, phát triển, khai thác cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn.
Nhiều giải pháp mở rộng thị trường
Bà Lan cho biết, trong 3 tháng đầu năm Sở đã tổ chức 4 lớp tập huấn “Nâng cao vị thế xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường ASEAN thông qua tận dụng quy tắc xuất xứ ưu đãi”, “Cạnh tranh trên sân nhà với các công ty nước ngoài và Xuất khẩu” và “Kinh doanh với thị trường Đài Loan”, “Quy định GSP tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng xuất khẩu sang châu Âu và C/O điện tử xuất khẩu sang ASEAN” cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, Sở cũng đã phổ biến nội dung về các Hiệp định thương mại tự do dành cho các nhóm hàng, tuyên truyền đến các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; cung cấp thông tin về doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài; Báo cáo tình hình hợp tác giữa thành phố Hà Nội với 16 nước và vũng lãnh thổ…
Hiện nay, Sở Công Thương Hà Nội đang triển khai công tác tiếp nhận đăng ký tham gia xét chọn “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” theo ủy quyền của Bộ Công Thương.
Bà Lan cho biết thêm, từ nay đến cuối năm 2018, Sở sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường, phát triển, khai thác cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn.
Sở cũng tập trung triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án "Đẩy mạnh xuất khẩu của thành phố Hà Nội thời kỳ hội nhập đến năm 2020, định hướng đến năm 2025"; Kế hoạch thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2018; Đề án “Giải pháp phát triển kinh tế của thành phố Hà Nội trong bối cảnh thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Nhật Bản giai đoạn đến năm 2020”.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng sẽ tăng cường cung cấp thông tin về các thị trường xuất khẩu, các ngành hàng xuất khẩu, những Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia để hỗ trợ doanh nghiệp; Thực hiện Kế hoạch điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng của doanh nghiệp xuất nhập khẩu máy móc trên địa bàn thành phố, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ; tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham dự hội chợ quốc tế tại các thị trường lớn và thị trường mới, đón các đoàn nhập khẩu nước ngoài vào giao thương với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Hà Nội.
Theo Báo Đầu Tư