Hoạt động xuất nhập khẩu: Điểm sáng của nền kinh tế

Hoạt động xuất nhập khẩu: Điểm sáng của nền kinh tế

Lần đầu vượt mốc 400 tỷ USD

Theo Bộ Công Thương, năm 2017, tổng kim ngạch XNK cả nước đạt 425,12 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu (XK) đạt 214,02 tỷ USD, tăng 21,2%; nhập khẩu (NK) đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8%. Đặc biệt, tổng kim ngạch XNK năm 2017 đã tăng 73,74 tỷ USD so với năm 2016 (cao hơn rất nhiều so với mức tăng bình quân khoảng gần 30 tỷ USD/năm của giai đoạn 2011-2016). Mức tăng này gần như chia đều cho cả XK và NK (XK tăng 37,44 tỷ USD, NK tăng hơn 36,3 tỷ USD).

Về tốc độ tăng, năm 2017, tổng kim ngạch XNK tăng 21%, cao hơn 7 điểm phần trăm so với tốc độ tăng bình quân 14% của 10 năm qua (giai đoạn 2007-2017). Trong đó, XK tăng 21,2%, NK tăng 20,8%, khá cao so với tốc độ tăng 9% của XK và 5,6% của NK năm 2016 - 2017 cũng là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam có xuất siêu trong thương mại hàng hóa, với mức thặng dư 2,92 tỷ USD, cao hơn mức thặng dư 1,78 tỷ USD của năm 2016.

Kết quả XK năm 2017 được coi là thành tích lớn của toàn ngành Công Thương, vượt ngoài kỳ vọng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Đặc biệt, cơ cấu ngành hàng XK đã có sự chuyển biến tích cực.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, nếu trước đây, XK chủ yếu dựa vào nhóm hàng khoáng sản thì hiện nay, tỷ trọng của nhóm này rất thấp. Chiếm tỷ lệ chủ yếu trong cơ cấu hàng XK hiện nay là nhóm hàng công nghiệp và nông sản. Trong nhóm hàng công nghiệp, mặt hàng điện thoại di động chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1/4 kim ngạch XK của Việt Nam. Ngoài ra, các sản phẩm khác như dệt may, da giày… cũng đóng góp tích cực cho kim ngạch chung.

Nhóm hàng nông sản có điều kiện XK khó khăn hơn nhóm hàng công nghiệp do phụ thuộc vào thời tiết và giá cả thế giới nhưng năm 2017 vẫn đạt được nhiều kết quả tốt. Đặc biệt, nhóm hàng rau, quả đã vượt qua cả gạo để đứng đầu nhóm nông sản XK. Với kim ngạch lên đến 36 tỷ USD, có thể thấy, XK nông sản năm 2017 là một trong những điểm sáng đầy ấn tượng và sự tăng trưởng đã vượt qua dự báo từ đầu năm.

Thành quả ấn tượng trên xuất phát từ tổng hòa nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Theo phân tích của Bộ Công Thương, về thị trường XK, năm 2017, tổng thể nền kinh tế thương mại toàn cầu có sự cải thiện, nhu cầu thị trường tăng lên. Trong đó, một số mặt hàng XK của Việt Nam có cơ hội thúc đẩy XK nhờ tác động từ tình trạng biến đổi khí hậu khiến nguồn cung tại một số nước giảm, qua đó, gia tăng nhu cầu NK, điển hình như với mặt hàng gạo. Ngoài tận dụng tốt cơ hội thúc đẩy XK sang các thị trường truyền thống, năm qua, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng được mở rộng XK tới những thị trường mới…

Một trong những yếu tố quan trọng nhất đóng góp cho hoạt động XNK chính là nỗ lực của các bộ, ngành trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính. Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp (DN), chưa bao giờ cụm từ “đồng hành với DN” lại được nhắc đến nhiều như năm 2017. Đặc biệt, các giải pháp cải cách hành chính trong lĩnh vực Công Thương đã và đang mang lại kết quả tích cực.

Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho biết, năm 2016, khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký quyết định bãi bỏ Thông tư 37/2015 quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may, DN rất phấn khởi. Việc bãi bỏ này giúp DN tiết kiệm được 1,5 triệu đồng cho mỗi lần kiểm nghiệm mẫu và rút ngắn được thời gian thông quan từ 2,4 – 3,8 ngày, tạo điều kiện rất lớn trong việc gia tăng kim ngạch XK, giúp dệt may giữ vững vị trí là một trong những mặt hàng có kim ngạch XK lớn nhất. Năm 2017, kim ngạch XK của ngành dệt may Việt Nam đạt hơn 31 tỷ USD, tăng trưởng 10,23% so với năm 2016.

Tận dụng cơ hội từ các FTA

Kết quả XNK năm 2017 là điểm sáng, nhưng cũng đồng thời tạo áp lực không nhỏ cho việc hoàn thành mục tiêu XNK của năm 2018.

Ông Trần Thanh Hải chia sẻ, để đạt mục tiêu XNK của cả năm 2018 (XK và NK tăng 10%; nhập siêu dưới 3% kim ngạch XK), giải pháp quan trọng hàng đầu của Bộ Công Thương là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, đàm phán và thực thi tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA), khai thác tối đa lợi ích, tận dụng cơ hội. Ngoài ra, tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt là các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý ngoại thương.

Hoạt động xúc tiến thương mại cũng là nhiệm vụ quan trọng. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có nhiều cải cách về phương thức xúc tiến thương mại theo hướng bên cạnh phương thức truyền thống như đưa các đoàn đi hội chợ, kết nối giao thương nước ngoài… sẽ tích cực mời đoàn DN nước ngoài vào Việt Nam để tìm hiểu và quyết định mua hàng; đẩy mạnh việc dùng các công cụ truyền thông ở nước ngoài để hỗ trợ, quảng bá sản phẩm Việt Nam.


Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ đã và đang phát triển với tốc độ vũ bão như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động XNK cũng là yêu cầu sống còn với DN. Bộ Công Thương đã và đang đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN Việt Nam tham gia hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng tốt hơn công nghệ vào hoạt động XNK.

Năm 2017, Việt Nam có trên 200 đối tác thương mại khắp toàn cầu, trong đó 28 thị trường XK và 23 thị trường NK đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.