Mã số vùng trồng - “chìa khóa” đưa nông sản Việt vươn xa

Mã số vùng trồng - “chìa khóa” đưa nông sản Việt vươn xa

Khi chưa được cấp mã số vùng trồng, trái thanh long của Hợp tác xã Mỹ Tịnh An, tỉnh Tiền Giang chỉ xuất khẩu được sang các nước châu Âu và một số thị trường châu Á.

Thị trường Mỹ hay Australia dù đã mở cửa cho thanh long Việt Nam nhưng hợp tác xã lại không xuất khẩu được vì đây là hai quốc gia yêu cầu phải có mã số vùng trồng.

Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Các quy định về vùng trồng, quy trình canh tác, quy trình sơ chế đóng gói… đang là yêu cầu của rất nhiều thị trường có nhu cầu nhập khẩu nông sản lớn như Trung Quốc, Mỹ, Australia… Mã số vùng trồng được hiểu là mã số định danh cho một vùng sản xuất, đây cũng chính là “chìa khóa” để mở ra những cánh cửa cho nông sản Việt vươn xa.

Ông Văn Tấn Phương, Phó Giám đốc Hợp tác xã Mỹ Tịnh An, tỉnh Tiền Giang cho biết năm 2014, hợp tác xã bắt đầu áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, hướng dẫn cho tất cả các thành viên sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Nhưng dù có tiêu chuẩn nhưng hợp tác xã nhận thấy sự cần thiết phải có mã số vùng trồng để có thể mở thêm con đường xuất khẩu. Hợp tác xã đã nộp đơn đề nghị cơ quan chức năng cấp mã số vùng trồng cho hợp tác xã.

Sau khi được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm của hợp tác xã đã xuất khẩu sang Mỹ, Australia, Nhật Bản… giúp thị trường xuất khẩu của hợp tác xã đa dạng hơn, uy tín vùng trồng thanh long được nâng cao. Ngoài việc xuất khẩu trực tiếp, hợp tác xã còn liên kết với các Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty YASAKA, Công ty Ánh Dương Sao, Công ty rau quả MêKông…để xuất khẩu thanh long. Từ đó, khách hàng của hợp tác xã ngày càng nhiều, giúp các thành viên ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập.

Giờ đây, rau quả tươi phải được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số mới được phép xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… và gần đây nhất là Trung Quốc.

Theo bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, dù các thị trường yêu cầu khác nhau về mã số vùng trồng nhưng các vùng trồng có được cấp mã số phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt; ghi chép nhật ký canh tác để phục vụ truy xuất nguồn gốc; đào tạo tập huấn. Ngoài ra, doanh nghiệp phải cùng người nông dân kịp thời nắm bắt tình hình sinh vật gây hại, các biện pháp phòng trừ và không vi phạm các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nước nhập khẩu.

Cũng bởi sự khắt khe trên mà sản xuất có gắn với mã số vùng trồng sẽ giúp người dân ngày càng chuyên nghiệp hơn, làm ăn bài bản hơn trên chính cánh đồng của họ. Qua đó, tự người dân sẽ có phương án, kế hoạch giảm chi phí sản xuất, vật tư đầu vào, nhưng vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng và các tiêu chí nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu, cũng như cung ứng cho tiêu dùng trong nước.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết việc cấp mới, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là một trong những ưu tiên hàng đầu của Cục Bảo vệ thực vật. Hiện cả nước có khoảng 4.000 mã số vùng trồng và 2.000 cơ sở đóng gói. Các địa phương cần xác định rõ cây trồng chủ lực, thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu, lấy đó làm cơ sở cấp mã số vùng trồng. Do đó, địa phương phải có sự chủ động và tận dụng những xung lực bên ngoài như hỗ trợ từ doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để xây dựng mã số vùng trồng.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua cũng có tình trạng “mượn” mã số, sử dụng mã số không đúng… và đã có lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo, trả lại. Một số địa phương còn chưa dành sự quan tâm đúng mức trong việc kiểm tra, giám sát và quản lý vùng trồng. Hay chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Sơ chế đóng gói thanh long xuất khẩu ở Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm Cát Tường. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)


Nhằm phát huy giá trị sản phẩm được sản xuất từ vùng có mã vùng trồng, ông Hoàng Trung cho biết, đơn vị có kế hoạch kết nối doanh nghiệp, ưu tiên thu mua nông sản tại các vùng trồng có đầy đủ nhật ký canh tác; đồng thời đưa thông tin về vùng trồng đã được cấp mã số lên các website của ngành, địa phương, hoặc Ủy ban Nhân dân các cấp để thuận tiện trao đổi.Ông Hoàng Trung cho rằng các địa phương, từ cấp quận, huyện, thị xã cho đến tỉnh, thành phố đều có trách nhiệm quản lý, duy trì mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Địa phương phải sâu sát tới tận người dân trong việc lấy mẫu, phân tích, kiểm tra định kỳ. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có định hướng rõ ràng trong việc phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói như xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể thực hiện theo từng tháng, nâng cao chất lượng giám sát các mã số đã được cấp.

 

Ông Nguyễn Văn Thực, Giám đốc Hợp tác xã Hòa Lộ mong muốn các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các hợp tác xã đã được cấp mã số để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản.

Hiện Cục Bảo vệ thực vật đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng. Sau khi chuẩn hóa, địa phương sẽ bổ sung thông tin mã số các vùng trồng, cơ sở đóng gói lên phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia, tiến tới quản lý cấp mã số trên hệ thống này nhằm hạn chế hồ sơ, giấy tờ

Kết hợp cấp mã số vùng trồng với thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông sản sẽ giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà vườn, cơ sở đóng gói, hạn chế được tối đa tình trạng “mượn” mã số vùng trồng để xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Các tỉnh, thành phố cần xây dựng, bổ sung các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển kinh tế-xã hội. Từ đó có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu./.

www.vietnamplus.vn