Nhiều loại hoa quả Việt Nam chiếm thị phần gần như tuyệt đối tại Trung Quốc

Nhiều loại hoa quả Việt Nam chiếm thị phần gần như tuyệt đối tại Trung Quốc

Rau quả là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh

Theo Bộ Công Thương, năm 2017, rau quả là mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh, vượt kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản chủ lực khác như gạo, hồ tiêu và mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2017 đạt 3,5 tỷ USD, tăng mạnh 42,5% so với năm 2016.

Trong thời gian qua, nhiều loại trái cây Việt Nam đã được thâm nhập và mở rộng xuất khẩu vào các thị trường “khó tính” như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long và mới đây là vú sữa vào thị trường Hoa Kỳ; vải thiều vào thị trường Australia, Malaysia, EU (Pháp, Đức, Anh, Hà Lan); thanh long, xoài vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; cam, quýt, thanh long vào thị trường Singapore…

Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,65 tỷ USD, tăng 52,4% so với năm 2016, chiếm 75,7% tổng xuất khẩu cả nước. Nguồn: Vnmedia

Theo thống kê của FAO, thị trường rau quả toàn cầu sẽ tăng trưởng 8%/năm trong giai đoạn 2017 - 2020 và đạt 320 tỷ USD vào năm 2020. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau quả nhiệt đới, trái mùa và hữu cơ sẽ tăng tại các nước phát triển. 

Việt Nam tuy chỉ đứng thứ 12 trong các nước xuất khẩu rau quả lớn nhưng đã tăng từ 1 đến 3 bậc so với vài năm trước (thị phần toàn cầu tăng từ 2,1% lên 2,9%), đứng trên nhiều nước khác như Pháp, Đức, Philippines, Ấn Độ,...

Đối thủ cạnh tranh về rau quả của Việt Nam chủ yếu hiện nay là Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Theo Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2017, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc là các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Trong đó, Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,65 tỷ USD, tăng 52,4% so với năm 2016, chiếm 75,7% tổng xuất khẩu cả nước. Việt Nam có 8 loại trái cây tươi được phép xuất khẩu vào Trung Quốc (gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm), trong đó có 4 loại chiếm thị phần gần như tuyệt đối (từ 85 - 98%) tại thị trường này.

Một số loại trái cây có khả năng sản xuất nhưng lại chưa được phép xuất khẩu vào thị trường này gồm măng cụt, bưởi da xanh, chanh leo… và vẫn đang trong quá trình đàm phán mở cửa thị trường.

Thị trường lớn thứ 2 là Nhật Bản với kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 127,2 triệu USD, tăng 69,3% so với năm 2016; tuy nhiên chỉ chiếm thị phần 0,8% tại thị trường này.

Bộ Công Thương cho biết, Nhật Bản có nhu cầu ngày càng gia tăng với trái cây tươi nhiệt đới như chuối, thanh long, xoài, vải, măng cụt,… Hiện Việt Nam đã được phép xuất khẩu thanh long (ruột đỏ, ruột trắng), xoài, chuối, dừa sang Nhật Bản. Trừ thanh long có khả năng tăng trưởng tốt do đáp ứng tốt về thị hiếu và chất lượng, các loại trái cây tươi khác đều kém cạnh tranh so với các nước về giá do cước phí vận chuyển hàng không và chi phí bảo quản lạnh của Việt Nam cao hơn (giá chuối cao hơn Philippines 8%, Costa Rica 52%; giá xoài cao hơn Mexico, Thái Lan 50%...).

Ngoài ra, các sản phẩm rau quả chế biến từ xoài, vải, dứa, đậu lông, súp lơ, khoai lang… của Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường Nhật Bản.

EU là thị trường lớn thứ 3, xuất khẩu năm 2017 đạt 106,4 triệu USD, tăng 14,2% so với năm 2016. Mặc dù liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây, Việt Nam vẫn chỉ chiếm thị phần 0,4%.

Cũng theo Bộ Công Thương, trái cây tươi Việt Nam đã xuất khẩu sang EU nhưng lượng không đáng kể do kém cạnh tranh với các đối thủ khác có vị trí địa lý gần hơn (Brazil, Peru, Ecuador, Panama) và các đối thủ trong khu vực (Thái Lan, Philippines, Malaysia) về giá, chất lượng và thời gian giao hàng. Ngoài ra, EU thường xuyên rà soát, điều chỉnh chặt chẽ quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra đối với rau quả của Việt Nam do phát hiện nhiều lô hàng không phù hợp với quy định của EU, gây bất lợi đến tiến độ xuất khẩu vào thị trường này (hiện tần suất kiểm tra thanh long tăng lên 20% và các loại rau gia vị tăng lên 50%).

Hoa Kỳ hiện đang là thị trường lớn thứ 4, xuất khẩu năm 2017 đạt 102,1 triệu USD, tăng 20,9%. Việt Nam đã được phép xuất khẩu 5 loại trái cây tươi vào Hoa Kỳ (gồm vải, nhãn, chôm chôm, thanh long và mới đây là vú sữa), lượng xuất chưa đáng kể, chiếm thị phần nhỏ 3% (sau Mexico 88%, đứng trước Chile 2%, Trung Quốc 1,2%, Thái Lan 1,1%) do các chi phí như vận chuyển, bảo quản, kiểm dịch, xử lý chiếu xạ liên quan đến xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam cao, kém cạnh tranh so với các nước có địa lý gần hơn.

Mặc dù tăng trưởng tốt, nhưng Bộ Công Thương cho biết, ngành rau quả vẫn đang phải đối mặt với một số vấn đề như sản xuất phân tán, tỷ lệ hao hụt lớn, giá thành sản phẩm cao, công nghệ chế biến bảo quản còn hạn chế nên chất lượng không đồng đều, khó kiểm soát, dễ bị cảnh báo. Bên cạnh đó, gặp cạnh tranh cao từ Thái Lan, Indonesia, Myanmar,... thậm chí ngay tại thị trường trong nước. Công tác mở cửa thị trường phức tạp, mất nhiều thời gian (thường mất từ 5 - 8 năm và phải đánh đổi tương đương).