Xuất khẩu gạo: Kỳ vọng nào cho cuối năm?
Xuất khẩu gạo: Kỳ vọng nào cho cuối năm?
Tín hiệu vui cho xuất khẩu gạo
Xuất khẩu gạo đã bị ảnh hưởng khá lớn do tác động của dịch COVID-19, đặc biệt là từ giữa tháng 7/2021, các tỉnh miền Tây phải thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, hoạt động sản xuất, chế biến gạo để xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động vì không đủ điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” (3T), những doanh nghiệp tổ chức được thì con số này cũng chỉ đạt khoảng 30-40% và sản lượng cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với bình thường.
Xuất khẩu gạo năm nay có thể đạt 6 - 6,2 triệu tấn |
Tuy nhiên gần đây, xuất khẩu gạo đã có nhiều điểm sáng. Đơn cử, vào ngày 17/11, Công ty Trung An trúng thầu xuất khẩu 15.000 tấn gạo sang thị trường Hàn Quốc. Lô gạo trúng thầu là loại 100% tấm (dùng làm nguyên liệu sản xuất bia) với giá trúng thầu là 369 USD/tấn (giá FOB).
Theo ông Phạm Thái Bình, đây là mức giá bán khá cao so với các thị trường khác. Lô gạo này sẽ được giao hàng đến cảng Gwangyang trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6-2022.
Báo giá do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) công bố ngày 24/11, gạo 100% tấm được chào bán với giá 338 USD/tấn (giá FOB). Nếu so với mức giá này thì giá trúng trầu của Công ty Trung An cao hơn 31 USD/tấn.
Năm 2021, hạn ngạch nhập khẩu gạo mà Hàn Quốc cấp cho Việt Nam là hơn 50.000 tấn. Trong lần mở thầu diễn ra vào ngày 14/5, nước này nhập khẩu từ Việt Nam 23.222 tấn, trong đó Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã trúng thầu 22.222 tấn. Trước đó, Hàn Quốc cũng đã mở thầu nhập khẩu từ Việt Nam 11.236 tấn gạo và Công ty Trung An cũng trúng thầu toàn bộ khối lượng gạo này.
Theo ông Phạm Thái Bình, từ đầu năm 2021 đến nay, Công ty Trung An đã trúng thầu xuất khẩu tổng cộng 48.458 tấn gạo các loại sang thị trường Hàn Quốc. Nếu so với tổng khối lượng mà Hàn Quốc chào thầu dành cho gạo Việt Nam năm nay thì Công ty Trung An đã chiếm hơn 93%Từ đầu năm 2021 đến nay, Công ty Trung An xuất khẩu gạo được 177.000 tấn sang thị trường nhiều nước, đạt doanh thu trên 30 triệu USD. Dự kiến, Công ty Trung An sẽ xuất khẩu gạo đạt 190.000 tấn đến cuối năm 2021.
Ðối với Tập đoàn Lộc Trời-đơn vị sản xuất và xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam thì trong 9 tháng đầu năm 2021, Lộc Trời là doanh nghiệp dẫn đầu cả nước xuất khẩu gạo sang thị trường Liên minh châu Âu (EU), chiếm gần 70% lượng gạo xuất khẩu vào thị trường khó tính bậc nhất này.
Chú trọng chất lượng
Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tháng cuối năm sẽ gia tăng mạnh nhất nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường chính như: Philippines, Trung Quốc, EU… để phục vụ cho tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán ở một số quốc gia. Trong điều kiện các hoạt động sản xuất, logistics đã được khơi thông trở lại thì sự bứt phá của các doanh nghiệp sẽ mang lại hy vọng đạt được mục tiêu xuất khẩu cả năm 2021.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhiều thị trường đã bổ sung thêm những quy định mới về yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản nhập khẩu, trong đó có gạo. Ðáng chú ý là thị trường trọng điểm Trung Quốc với Lệnh 248, 249 về vấn đề đăng ký và quy định an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Gạo là một trong những nông sản chính Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng đây cũng là mặt hàng chịu sự cạnh tranh cao từ các quốc gia khác và từ chính sản phẩm của Trung Quốc. Việc Trung Quốc đưa ra các tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói… chắc chắn sẽ là thách thức nếu doanh nghiệp muốn duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.
Trong khi đó, đối với thị trường EU, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), EU cấp cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn/năm, nhưng nếu chất lượng gạo tốt thì con số này hoàn toàn có khả năng sẽ tăng lên, vì nhu cầu nhập khẩu gạo của EU hiện lên đến 2,3 triệu tấn/năm với trị giá 1,4 tỷ euro. Ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định của EU thì gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề bao bì với nhiều quy định rất chi tiết, vì thực tế có những doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng như nhiều nông sản chất lượng cao khác vào EU nhưng lại chưa đáp ứng đúng yêu cầu về thông tin trên bao bì. Cụ thể như: tên sản phẩm bao gồm tên thương mại và tên khoa học; phương pháp sản xuất; xuất xứ; khối lượng tịnh; tên người bán ở EU (tên doanh nghiệp và địa chỉ của nhà sản xuất, đóng gói hoặc người bán được thành lập ở EU); bao bì phải có số phê duyệt của EU; ghi rõ thành phần và giá trị dinh dưỡng…
Nhiều ý kiến dự báo số lượng gạo xuất khẩu năm 2021 có thể không đạt mức 6,5 triệu tấn như kỳ vọng từ đầu năm nhưng có thể đạt mức 6- 6,2 triệu tấn.
Theo Congthuong.vn