Xuất khẩu nông, thủy sản tự tin đạt mục tiêu 41 tỷ USD

Xuất khẩu nông, thủy sản tự tin đạt mục tiêu 41 tỷ USD

Xuất khẩu tăng 12%

Theo thông tin mới nhất của Bộ NN&PTNT, kim ngạch XK toàn ngành nửa đầu năm ước đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,7%; lâm sản chính ước đạt 4,33 tỷ USD, tăng 12,7%; thuỷ sản ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 3,9 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ đâu XK nông, lâm, thủy sản lại đạt thành quả rực rỡ như vậy? Về điều này, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT cho hay: 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp như cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa, sản phẩm; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản thương mại, mở rộng thị trường XK; tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, liên kết chuỗi giá trị nông sản; tổ chức các hội chợ nông sản, thực phẩm an toàn và đẩy mạnh truyền thông... Nhờ vậy, tiêu thụ nông sản và XK tăng mạnh.

Đáng chú ý, ngoài những mặt hàng và thị trường XK truyền thống, Bộ NN&PTNT đã tập trung tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy XK thịt bò, sữa vào các thị trường Malaysia; thịt lợn, gà, trứng vào Singapore; thịt lợn, sữa, thủy sản, gạo vào Trung Quốc; đàm phán mở cửa thị trường XK thịt gà vào Nhật Bản, vú sữa vào Hoa Kỳ, chôm chôm vào NewZealand, chanh leo vào EU...

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song ông Việt thừa nhận thị trường tiêu thụ nông sản đã có nhiều chuyển biến, song nhìn chung vẫn là khâu yếu. Công tác dự báo cung, cầu còn bất cập nên có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ bị chậm, giá giảm, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và đời sống của người dân hoặc nguồn cung thiếu nên giá tăng cao. Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đã từng bước được nâng cao năng lực. Một số tập đoàn lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến (riêng rau quả có 8 nhà máy hiện đại được khánh thành trong năm nay) nhưng vẫn chậm so với yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn. Ngòai ra, tổn thất sau thu hoạch còn cao, sản phẩm chế biến sâu chiếm tỷ lệ thấp, giá cả sản phẩm phụ thuộc nhiều vào mùa vụ…

Tập trung vào giải pháp thị trường

Theo ông Việt, dự báo 6 tháng cuối năm thị trường XK tiếp tục được mở rộng, giá cả cơ bản ổn định. Nhiều khả năng sản lượng XK tăng cao do nhu cầu tiêu dùng quốc tế những tháng cuối năm tăng. Dự báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cho thấy: Thương mại gạo toàn cầu tiếp tục tăng, trái cây nhiệt đới tăng mạnh, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thế giới tăng trong năm 2018… Từ những yếu tố đó, dự báo nửa cuối năm, XK nông sản sẽ tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao hơn nửa đầu năm (trên 12%) và kim ngạch XK năm 2018 sẽ đạt 40-41 tỷ USD.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT xác định tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tiếp tục rà soát, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; Nhóm sản phẩm cấp tỉnh/thành phố và Nhóm đặc sản làng/xã để có giải pháp chỉ đạo cụ thể…

Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Một trong những nhóm giải pháp phải tập trung rất cao là thị trường. Sức sản xuất nông sản của Việt Nam hiện nay có thể nói là tốt nhưng vấn đề quyết định nhất là thị trường. Nửa đầu năm, ngành nông nghiệp tập trung nhiều nhóm giải pháp mang tính cụ thể để tháo gỡ thị trường kể cả về mở rộng thị trường, tổ chức khai thác thị trường cũng như sắp xếp thị trường. Từ nay đến cuối năm, các giải pháp cần tiếp tục tập trung hơn. “Cụ thể, các bộ gồm Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng phải tăng cường hơn công tác phát triển thị trường bên ngoài, không chỉ những thị trường truyền thống, mạnh như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc… mà tới đây phải hướng tới những phân khúc thị trường mới còn dư địa, điển hình là ASEAN, Ấn Độ… Điều này không chỉ để phục vụ chiến lược hàng hóa chung Việt Nam, trong đó có thị trường nông sản cho năm 2018 mà cả những năm tới đây”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Ông Việt bổ sung thêm, ngoài phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tập trung đàm phán tháo gỡ các rào cản thương mại; triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế, đàm phán và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong kiểm dịch, bảo vệ thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ NN&PTNT xác định tiếp tục nỗ lực để giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với đánh bắt hải sản Việt Nam; tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về Đạo luật Farmbill của Hoa Kỳ đối với cá tra; thúc đẩy XK thịt gà (Nhật Bản, Hà Lan); XK các sản phẩm chăn nuôi sang Trung Quốc theo chính ngạch; đẩy mạnh XK hồ tiêu sang thị trường Ấn Độ, xoài sang Hoa Kỳ,...